Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG THCS BÌNH HƯNG HÒA




MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA TRƯỜNG THCS
BÌNH HƯNG HÒA

Nhà thông thái "mồ côi"
Đã rời trường gần hai năm, nhưng cái tên Hoàng Ân vẫn còn in đậm trong thầy cô và bè bạn ở trường trung học cơ sở Bình Hưng Hoà của quận Bình Tân. An có rất nhiều biệt danh: thầy hiệu trưởng gọi cậu là “Ân khác người”, bạn bè tôn xưng “Ân hiền triết”. Bởi nhỏ xíu mà hỏi cái gì cũng biết, nên thầy cô gọi cậu là “Ân thông thái”. Cậu ham đọc đến mức thầy Dương gán cho cậu hỗn danh “Ân mọt sách”. Cô giáo Phương nói, Ân có trí tuệ của một người lớn được thu lại trong cái thân hình bé nhỏ. Em ham học, ham hiểu biết đến lạ lùng. Em hay tranh thủ học, làm bài xong trước tiết học ở lớp mình rồi chạy vù sang lớp khác (cùng khối lớp), xin được ngồi “dự thính” để được nghe thầy cô khác dạy.
Tổng kết bốn năm học của trường Bình Hưng Hoà, Ân là học sinh duy nhất không nghỉ một buổi học nào. An không ít lần đến lớp khi đang bị bệnh. Còn thầy Dương thì cứ lo là sau khi ba Ân qua đời, gia đình cậu vốn luôn phải đối mặt với nghèo khó, liệu có phép màu nào chống đỡ để Ân tiếp tục học hành. Thầy Dương chia sẻ với Ân đồng lương giáo viên ít ỏi và những lời động viên. Thầy tin vào ý chí của đứa học trò nghèo, nhưng thách thức mà Ân phải đối mặt là quá lớn.
Thầy Dương đưa tôi đến thăm nhà của Nguyễn Văn Hoàng Ân. Đó là căn nhà cấp bốn vỏn vẹn 32m2, nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo phía dưới dốc cầu Bình Thuận, thuộc phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân. Mẹ Ân cho biết, đây là đất và nhà “tình thương” của bà ngoại Ân cho. Trước khi đô thị hoá, nơi đây là vùng đất nông nghiệp, gia đình chị đông anh em nhưng chỉ có khoảng 3.000m2 đất ruộng. Gia đình Ân còn nghèo hơn, anh đi kinh tế mới, khi quay trở lại thành phố làm phụ hồ kiếm sống đến mãn đời. May mà cả hai đứa con của anh chị đều ngoan, học giỏi: cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hồng Thắm, suốt 12 năm học phổ thông là học sinh giỏi, hiện đang là sinh viên cao đẳng ngành thư ký văn phòng. Nguyễn Văn Hoàng Ân mười năm liền là học sinh xuất sắc, đang là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn  hoá của trường Trần Phú, chuẩn bị thi Olympic hoá học cấp thành phố. 
Cha Ân là lao động chính nuôi bốn miệng ăn, nhưng nghề thợ hồ rất bấp bênh, có lúc thất nghiệp hai ba tháng liền. Khi có việc, thu nhập trung bình mỗi tuần cũng chỉ khoảng 300 ngàn đồng. Thắm đậu cao đẳng, Ân lên cấp ba, trang trải cho việc học của hai con mỗi ngày một cao, ba mẹ Ân đánh bạo vay ngân hàng ba triệu đồng mua cho con dàn máy vi tính cũ, nghĩ sẽ làm lụng chắt mót để trả sau. Nhưng rồi đầu năm 2008, cha Ân lâm bạo bệnh qua đời.
Vốn đã quen cảnh nghèo, hai chị em Ân cũng đâu đòi hỏi gì hơn ngoài hai bữa cơm đạm bạc. Trong lòng người mẹ giờ đây dằng dặc nỗi khổ tâm là làm sao để hai con tiếp tục học hành, vẫn học giỏi như khi cha chúng còn sống. Thắm bây giờ đang học năm cuối hệ cao đẳng, còn Ân, đường học còn quá dài. Mẹ Ân kể: “Nghe nói ngân hàng có cho sinh viên nghèo vay tiền mỗi năm học là tám triệu đồng, tôi đánh liều làm đơn xin vay, nhưng chỉ được vay ba triệu. Số tiền này cùng một lúc lo cho hai đứa thì có thấm vào đâu. Riêng thằng Ân, cho dù được giảm học phí một nửa, phần còn lại phải đóng cũng mất hơn 600 ngàn, con Thắm phải đóng gần hai triệu”. Trong khi đó, mẹ Ân đi lau chùi, quét dọn nhà cho người ta, mỗi tuần chỉ kiếm được 150 ngàn!
“Nếu đủ điều kiện để học lên đại học, Ân thích học ngành gì?” – Tôi thử hỏi. Ân nhìn tôi qua cặp kính cận hơn sáu độ, suy nghĩ một hồi lâu rồi cười buồn: “Chị Thắm đang lo ngại ra trường khó tìm được việc làm, ở hoàn cảnh của con, con không có quyền chọn lựa ngành mà con yêu thích”. Tôi chợt nhớ lời cô giáo Phương, rằng Ân là một học sinh giỏi toàn diện, cả môn học tự nhiên lẫn xã hội… trừ thể dục. Thầy Dương thì tin rằng, với sức học của Ân, chuyện vào đại học là không khó. Tôi cũng không có lý do gì để nghi ngờ sức học của Ân: bức tường trước bàn học của em có dán hàng mấy chục tấm giấy khen thành tích xuất sắc của Ân suốt hơn 10 năm học. Nhưng con đường vào đại học của cậu học trò được mệnh danh là “nhà thông thái” này thật quá nhiêu khê.
Lời khuyên nào cho Ân lúc này thật quá khó khăn, bởi những gì mà chúng tôi có thể đòi hỏi ở cậu học trò này là quá đủ. Còn điều mà Ân, hay gia đình em cần sự sẻ chia thì chúng tôi chưa dám hứa. Nên cả tôi, cả thầy Dương đều ngồi im lặng. Hai mẹ con Ân cũng ngồi im lặng. Cái khoảng lặng chỉ trong chừng mười phút, nhưng nó làm cho tôi có cảm giác dài dằng dặc. Cuối cùng, thầy Dương dặn dò đứa học trò cũ: “Thôi em à, học, cuối cùng là để thành người, nghèo mà sống có nhân cách vẫn quý hơn. Tiền bạc có thể làm ta giàu sang, nhưng nghèo mà biết giữ nhân cách, đạo đức là em đã giàu rồi đó!”
Tôi tin cậu học trò nhỏ, con mọt sách này đang cố gắng học làm người như thế!

1 nhận xét:

  1. Nhớ thầy Dương 3 cây rôi may. Nhờ vậy em mới biết, Còn đánh còn nói là " Thương "... em chúc thầy và những thầy cô trong trường bhh này. 1 lời chúc đến Sức Khỏe :) Em yêu thầy cô lắm :)
    Pé thảo 7/1

    Trả lờiXóa